Thúc đẩy phát triển “công nghiệp xanh”

Hoàng Cường 10:16, 23/03/2024

Thời gian qua, các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh Thái Nguyên và nhiều doanh nghiệp (DN) đã nỗ lực triển khai các giải pháp phát triển "công nghiệp xanh". Nhờ đó, chất lượng môi trường được nâng cao, kinh tế của tỉnh có điều kiện tăng trưởng bền vững.

Nhà máy TNG Võ nhai (thuộc Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG) là cơ sở sản xuất đầu tiên trên địa bàn tỉnh đồng thời đạt tiêu chuẩn nhà máy xanh LEED và LOTUS.
Nhà máy TNG Võ nhai (thuộc Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG) là cơ sở sản xuất đầu tiên trên địa bàn tỉnh đồng thời đạt tiêu chuẩn nhà máy xanh LEED và LOTUS.

Áp dụng kinh tế tuần hoàn

Với ngành nghề chính là tái chế giấy bao gói công nghiệp, mỗi năm, Công ty CP Giấy Hoàng Văn Thụ sản xuất và cung ứng ra thị trường 160 nghìn tấn sản phẩm. Để bảo đảm môi trường trong quá trình sản xuất, Công ty đã đầu tư nhiều dây chuyền xử lý, quan trắc nước thải, khí thải tự động với kinh phí hàng tỷ đồng. Bên cạnh đó, Công ty cũng tích cực áp dụng quy trình sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn (tái tạo các nguyên, nhiên liệu, tiết kiệm năng lượng).

Ông Vũ Thái Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Giấy Hoàng Văn Thụ: Nhờ tăng cường tái sử dụng nguồn nước trong toàn bộ khâu sản xuất nên định mức nước sản xuất của Công ty hiện chỉ là 2m3/tấn sản phẩm, giúp giảm 50% công suất hoạt động của hệ thống xử lý nước thải. Còn đối với khí thải, Công ty đã chuyển đổi từ lò hơi đun sôi sử dụng than đốt sang lò hơi tầng sôi sử dụng bằng các phế phẩm lâm nghiệp thân thiện với môi trường như mùn cưa, vỏ cây... Nhờ đó giảm đáng kể khói bụi, khí CO từ than đốt; đặc biệt là cải thiện môi trường làm việc của công nhân - trổ cửa và bôi mầu nền

Tương tự như Công ty CP Giấy Hoàng Văn Thụ, tại Công ty CP Masan High-Tech Materials, việc tái chế phế liệu để sản xuất Vonfram cũng là hướng đi mới được Công ty đẩy mạnh. Theo hướng này, Mỏ Vonfram đa kim Núi Pháo sẽ đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào từ hoạt động thu hồi và tái chế. Mặt khác, Masan High-Tech Materials cũng sẽ thu mua phế liệu để cung cấp đầu vào cho nhà máy tái chế Vonfram.

Ở một góc độ khác của áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tại Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG lại hướng đến xây dựng các dự án nhà máy theo chuẩn xanh (Lotus, LEED) nhằm mang lại giá trị kinh tế cao và góp phần bảo vệ môi trường. Cụ thể như nhà máy phụ trợ TNG Sông Công được chứng nhận công trình xanh Lotus hạng Bạc nhờ xây dựng theo hướng mở và tiết kiệm năng lượng (sử dụng vòi nước tiết kiệm nước, tái sử dụng nước thải đã qua xử lý và nước mưa để đáp ứng 100% nhu cầu tưới tiêu, nhà máy sử dụng tối ưu nguồn vật vật liệu tái chế, vật liệu không nung; cây xanh tại nhà máy được bố trí với mật độ cao....).

Anh Hà Trần Đạt, nhân viên cơ điện chi nhánh bông (nhà máy phụ trợ phụ trợ TNG Sông Công) cho biết: Không gian nhà máy được thiết kế theo hướng mở nên nguồn ánh sáng tự nhiên được tận dụng tối đa giúp các phân xưởng làm việc tươi sáng và thoáng đãng, người lao động cũng cảm thấy hứng khởi hơn trong công việc.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Cùng với việc các DN chủ động áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, thời gian qua, Thái Nguyên đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển “công nghiệp xanh”. Theo đó, các cấp chính quyền và ngành chức năng đã tập trung làm tốt công tác quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp với hạ tầng kỹ thuật, hệ thống xử lý nước thải được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Cùng với đó, tỉnh không đặt mục tiêu thu hút đầu tư bằng mọi giá mà lựa chọn các DN đầu tư có ngành nghề phù hợp với thế mạnh của địa phương, ứng dụng thiết bị, công nghệ hiện đại, hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng và giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên, vật liệu; phát thải “các-bon thấp”... Song song với đó, tỉnh cũng thường xuyên chỉ đạo tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề, khu vực nông thôn.

Trạm xử lý nước thải tập trung tại Khu công nghiệp Yên Bình.
Trạm xử lý nước thải tập trung tại Khu công nghiệp Yên Bình.

Từ việc triển khai đồng bộ những giải pháp thúc đẩy phát triển “công nghiệp xanh” đã góp phần nâng cao chất lượng môi trường sinh thái và thúc đẩy công nghiệp của tỉnh tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững.

Kết quả lần đầu tiên công bố chỉ số xanh cấp tỉnh năm 2023 của Liên đoàn thương mại công nghiệp Việt Nam VCCI và Cơ quan quốc tế Hoa Kỳ USAID cho thấy, Thái Nguyên xếp thứ hạng 11/63 tỉnh, thành phố về chỉ số xanh với tổng điểm 16,05 điểm. Trong đó 2 chỉ số thành phần khảo sát là đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu và vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong bảo vệ môi trường được đánh giá khá cao. Cũng theo khảo sát của VCCI, tỷ lệ DN cảm nhận chất lượng môi trường tổng thể tại tỉnh là tốt chiếm 59%.

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, tỉnh tiếp tục quyết liệt thúc đẩy đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp “xanh” tạo cơ sở để thu hút dòng vốn FDI đầu tư vào tỉnh; tiếp tục xây dựng, đa dạng hóa hơn nữa các cơ chế, chính sách ưu đãi DN đầu tư theo hướng sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, ít tiêu hao năng lượng, tài nguyên, phát thải thấp, thân thiện với môi trường; đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh với trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho DN; đồng thời tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn cho tăng trưởng xanh của DN...