Nỗi đau không được báo trước

Phạm Ngọc Chuẩn 17:29, 20/09/2023

Một chút sơ ý có thể mất đi mạng sống, hoặc suốt phần đời còn lại trở thành người tàn tật. Nỗi đau mang tên mất an toàn giao thông không “nhượng bộ” với bất cứ ai. Phần lớn người bị tai nạn giao thông, dù còn sống cũng trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đành rằng ai cũng nhận thức rõ điều đó, nhưng tai nạn giao thông chưa bao giờ có hồi kết.

Hiện trường một vụ tai nạn giao thông tại TP. Thái Nguyên đầu năm 2023. Ảnh T.L
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông tại TP. Thái Nguyên đầu năm 2023. Ảnh T.L

Sau cuộc rượu

Sau gần 2 tháng nằm bất động trên giường cấp cứu, tỉnh dậy, tôi thấy miệng trống rỗng, soi gương mới biết mình bị gẫy mất gần hết bộ răng, chân, tay chẳng còn cái nào ra hồn - anh Trần Văn Tiến ở thị trấn Đu (Phú Lương) trỏ tay vào miệng nói với tôi thế.

Đã sau 7 năm bị tai nạn giao thông, nhưng đến bây giờ anh Tiến còn chưa hết bàng hoàng. Nhất là lúc tiết trời thay đổi, toàn thân đau nhức không làm được việc gì. Anh thổ lộ: Hôm ấy tôi có uống tí rượu với lòng lợn tiết canh để “giải đen” đầu tháng, hưng phấn, vít ga, lúc vào cua không kịp hãm nên đấu đầu vào ô tô. May không chết, nhưng tốn hơn trăm triệu chạy chữa mới giữ được mạng sống.

Một chén rượu hậu quả khôn lường. Anh Tiến cùng bạn đi “giải đen”, nhưng vận đen lại buộc vào cuộc đời bằng 1 cú va chạm xe cộ ngay trên đường về nhà.

Còn anh Hoàng Văn Xuyên, phường Đồng Bẩm (TP. Thái Nguyên), cũng bi đát không kém. Anh kể: Hôm ấy gặp mặt bạn bè, tôi không nhớ mình uống bao nhiêu chén rượu. Khi tỉnh dậy thấy người băng bó trắng toát. Mẹ ngồi ngủ gục cuối giường, tôi giật mình vì chân tay không cử động được nữa. Bố tôi bất mãn bảo: Mày say rượu đến mức không còn biết gì nên đã đâm thẳng xe máy vào một người đi đường khác. Người qua đường xúm lại đưa mày vào bệnh viện cấp cứu. Mày đã sống thực vật gần chục ngày nay rồi.

Đã sau hơn 5 năm xảy ra tai nạn, nhưng đến bây giờ anh Xuyên còn chưa hết kinh hoàng khi nhớ lại vụ tai nạn giao thông do chính mình gây ra. Anh cho biết: Sau vụ đó tôi mất hết sức vóc của tuổi trẻ. Mình mẩy lúc nào cũng thấy đau nhức, sức khỏe không có nên làm việc gì cũng ngại.

Chuyện uống rượu rồi đi xe máy, anh Trần Văn Hiển, xóm Trường Giang, xã Vạn Phái (TP. Phổ Yên), ân hận kể: Rượu uống không say, nhưng rượu làm cho tôi phấn chấn, liều lĩnh. Nếu không có rượu thì chắc chắn tôi không làm được như trong phim hành động. Lúc đó đi xe máy trên đường, nhìn công tơ mét chỉ 80km, tôi nhích thêm một chút, chưa kịp ngẩng mặt lên đã… rầm. Người bay trên không trung, xa chừng 20m thì “hạ cánh” vào đám bụi gai. Được cấp cứu kịp thời, nhưng tôi mất 81% sức khỏe.

Ai cũng hiểu tác hại của rượu bia. Nhưng có rất nhiều lý do… không uống không xong. Nhiều trường hợp chúc nhau sức khỏe trong trạng thái đã say lả người. Chỉ tiếc sau chén rượu mừng là nơm nớp lo sợ Cảnh sát giao thông phạt; thậm chí trở thành người hưởng chế độ trợ cấp dành cho người tàn tật vì tai nạn giao thông.

Mẹ không về đến nhà

- Mẹ cháu bảo đi làm để lấy tiền mua đồ chơi. - Có tiền mua áo mới cho con đến lớp… - Nhưng mẹ cháu không về nữa. - Mẹ bị tai nạn giao thông.

Tôi đã không cầm được nước mắt khi nghe những đứa trẻ thảng thốt kể chuyện về người mẹ. Đó là những phụ nữ không may mắn bị thiệt mạng vì tai nạn giao thông. Họ gặp nạn ngay trên đoạn đường quen thuộc từ nhà đến nơi làm việc.

Trường hợp chị Nguyễn Thị Thật, công nhân Công ty TNHH KSD VINA,  Khu công nghiệp Điềm Thụy (Phú Bình), là một điển hình. Hôm ấy (21/1/2021), sau giờ tan ca, chị bị tai nạn giao thông trên đường trở về nhà. Được người dân đưa vào bệnh viện cấp cứu, song do bị chấn thương quá nặng nên chị tử vong trên giường bệnh. Chị ra đi khi 2 con còn quá nhỏ, đang tuổi cắp sách đến trường.

Cũng sau ngày làm việc, chị Dương Thị Tuyết, công nhân Công ty TNHH Woojinqpd Vina, về nhà ở tổ dân phố Mãn Chiêm, phường Hồng Tiến (TP. Phổ Yên). Đến đoạn thuộc tổ dân phố Giếng, do mặt đường có nhiều ổ gà, dải đất gồ ghề và cát, đá sỏi dăm trên bề mặt, xe trượt đổ làm chị bị ngã lăn ra đường, đầu đập vào bánh xe ô tô đi ngược chiều dẫn đến tử vong. Trong đám tang của chị, đứa con trai 4 tuổi còn ngây ngô: Mẹ cháu nằm trong hòm để các bác khênh ra đồng nghỉ.

Có còn nỗi đau nào hơn là bị mất người thân. Hơn nữa, đó là nối đau vì “chết bất đắc kỳ tử”. Ông Nguyễn Văn Bính, xóm Đồn, xã Hà Châu (Phú Bình), thảng thốt: Con gái tôi làm công nhân ở Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam – Thái Nguyên. Cháu vừa dắt xe ra khỏi nhà được ít phút đã thấy có người nhắn tin đi nhận mặt con. Tôi tá hỏa lao ra khỏi nhà, đến hiện trường xảy ra tai nạn giao thông ở gần xóm Kén, xã Nga My (Phú Bình). Con gái tôi, cháu Nguyễn Thị Tình, điều khiển xe máy bị đâm va vào xe ô tô. Cú va chạm quá mạnh làm con gái tôi tử vong tại chỗ. Khi đó cháu mới 24 tuổi, chưa lập gia đình nên đám tang toàn hoa trắng.

Còn nhiều nữa những vụ tai nạn giao thông cướp đi mạng sống con người. Vụ việc nào cũng đau đớn, nhưng day dứt là những người mẹ bị chết vì tai nạn giao thông. Họ nợ con trẻ một lời hứa rất đời thường. Hệ lụy do tai nạn giao thông làm nhiều người chết hoặc trở thành tàn phế. Bởi thế chúng ta đừng chủ quan ngay trên những đoạn đường quen, chú ý quan sát để đưa ra quyết định điều khiển phương tiện chính xác, an toàn. Bởi ở nhà đang có nhiều người thân chờ đợi.

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh: Từ tháng 1 đến hết tháng 8-2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 62 vụ tai nạn giao thông, làm 9 người chết, 63 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2022 giảm 9 vụ, giảm 8 người chết, giảm 9 người bị thương.

Riêng tháng 8 xảy ra 12 vụ, làm 2 người chết, 9 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ tai nạn tăng 3 vụ; tăng 1 người chết, giảm 3 người bị thương.

(Tên nạn nhân trong bài đã được thay đổi)